Viêm họng gây hôi miệng: nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả
Viêm họng gây hôi miệng là tình trạng nhiều người bệnh gặp phải. Sự xâm nhập của vi khuẩn, virus ở khoang miệng, niêm mạc họng khiến hơi thở nặng mùi. Vậy làm thế nào để chữa viêm họng hôi miệng, bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc.
Nguyên nhân khiến bệnh viêm họng gây hôi miệng
Nguyên nhân gây viêm họng là do nhiễm virus, vi khuẩn ở đường hô hấp. Ngoài ra các tác nhân như dị ứng, thuốc lá, môi trường ô nhiễm cũng khiến bệnh bùng phát.
Khi bị viêm họng, người bệnh sẽ có triệu chứng cổ họng đau rát, ngứa ngáy, khó nuốt, ho khan, ho có đờm, sổ mũi…Nhiều trường hợp bệnh nhân viêm họng gặp tình trạng hơi thở nặng mùi, có mùi hôi khó chịu. Hôi miệng xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Sự xâm nhập của virus và vi khuẩn gây ra tình trạng nhiễm trùng hầu họng. Khi này niêm mạc không chỉ bị sưng viêm mà còn tiết độc tố khiến cho khoang miệng người bệnh có mùi hôi khó chịu.
- Hiện tượng nhiễm trùng hầu họng làm cho cơ thể bị mất nước, giảm bài tiết nước bọt ở khoang miệng. Lượng nước bọt được tiết ra giảm, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây sâu răng, phân giải protein trong thức ăn và tạo hơi chứa lưu huỳnh có mùi khó chịu.
- Hệ hô hấp của người bệnh viêm họng có xu hướng tiết nhiều dịch đờm hơn. Dịch đờm dồn ứ tại cổ họng và đặc quánh dần, gây tình trạng mùi hôi ở khoang miệng.
- Triệu chứng sổ mũi, tắc mũi ở người bệnh tạo nên thói quen thở bằng miệng. Thói quen kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ xâm nhập vào khoang miệng, giảm điều tiết nước bọt và tạo ra mùi hôi.
- Một số nguyên nhân khác khiến bệnh viêm họng gây hôi miệng là thói quen sinh hoạt. Vệ sinh răng miệng không đúng cách, uống ít nước, hút thuốc lá… không chỉ khiến hơi thở nặng mùi hơn mà còn làm bệnh chuyển biến nặng.
Tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh giúp người bệnh lựa chọn được cách điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng góp phần đẩy lùi bệnh và giảm hôi miệng.
Mức độ nghiêm trọng của viêm họng gây hôi miệng
Đa phần người bệnh viêm họng đều có dấu hiệu hôi miệng, đặc biệt với trường hợp viêm họng hạt gây hôi miệng. Tình trạng này không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại khiến người bệnh gặp trở ngại trong cuộc sống.
Hôi miệng khiến người bệnh ngại giao tiếp, tự ti khi tiếp xúc với người khác. Điều này khiến tâm lý bị ảnh hưởng, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Không những vậy, nếu tình trạng hôi miệng kéo dài, có thể là dấu hiệu cảnh bảo sức khỏe của bạn đang suy giảm. Cơ thể mất nước và hiện tượng nhiễm trùng nặng được thể hiện qua việc hơi thở nặng mùi.
Bởi vậy, bạn không nên chủ quan trước bệnh viêm họng gây hôi miệng. Nên sớm có biện pháp can thiệp và phục hồi đúng cách. Tránh để bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến yếu tố tâm lý, sức khỏe.
Những phương pháp cải thiện hôi miệng do viêm họng
Viêm họng gây hôi miệng có thể được cải thiện bằng nhiều cách khác nhau. Việc thay đổi chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hay áp dụng mẹo dân gian được sử dụng phổ biến nhất.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp giảm nhanh hiện tượng hơi thở nặng mùi và điều trị viêm họng hiệu quả. Nhiều loại thực phẩm có lợi cho răng miệng, đồng thời có tác dụng làm dịu cổ họng, chống viêm nhiễm hiệu quả. Người bệnh viêm họng nên lưu ý những vấn đề sau trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa hôi miệng:
- Uống nhiều nước là điều đầu tiên và quan trọng nhất để cải thiện bệnh. Cơ thể người bệnh cần được bổ sung nước để bù lượng điện giải đã mất. Thói quen uống nước còn giúp điều tiết lượng nước bọt tiết ra trong khoang miệng. Các vi khuẩn xâm gây bệnh được đẩy lùi, làm dịu niêm mạc họng đang sưng nóng.
- Người bệnh cần được bổ sung thêm các loại củ và rau xanh. Chất xơ trong rau củ mang lại công dụng làm sạch mảng bám, khử mùi hôi và hạn chế được sự phát triển của các vi khuẩn có hại.
- Ăn nhiều trái cây , đặc biệt là trái cây giàu vitamin C tốt cho người bệnh. Trái cây đa phần đều chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất. Nhờ đó chúng đóng vai trò giúp tăng cường sức đề kháng, phục hồi thể trạng cũng như làm dịu niêm mạc cổ họng. Ăn trái cây thường xuyên hạn chế được mảng bám ở kẽ răng và hạn chế mùi khó chịu trong khoang miệng.
- Người bệnh không nên dùng nhiều các thực phẩm có mùi nặng như tỏi, hành, thực phẩm lên men (kim chi, dưa chua, cà muối),…
- Tránh dùng rượu bia và uống cà phê cũng là cách giảm hôi miệng. Nhóm thực phẩm, thức uống này có đặc tính háo nước. Bởi vậy, bài tiết nước bọt ở khoang miệng bị giảm, vi khuẩn dễ phát triển mạnh.
- Sữa chua, gừng, nghệ… là những thực phẩm người bệnh có thể bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày để giảm hôi miệng.
Làm sạch răng miệng đúng cách
Để giảm hiện tượng hơi thở có mùi, hôi miệng, điều quan trọng cần làm là vệ sinh răng, khoang miệng đúng cách. Bước này giúp loại bỏ các vi khuẩn trú ở khoang miệng, răng, lợi, ngăn tình trạng viêm, nhiễm trùng lan rộng.
Khi vệ sinh răng miệng, bạn cần lưu ý những vấn đề như sau:
- Đánh răng mỗi ngày ít nhất 2 lần, trước khi đi ngủ và sau khi ăn. Khi chải răng bạn không nên dùng lực quá mạnh, hãy chải đều trên bề mặt răng. Đừng bỏ quên việc làm sạch cả lưỡi và nướu.
- Người bệnh cần súc miệng với nước muối loãng hoặc nước muối sinh lý để làm dịu niêm mạc họng, giảm đau, ngứa và khó chịu ở họng.
- Chỉ nha khoa, tăm nước là những vật dụng được các chuyên gia nha khoa khuyên dùng để lấy đi hết thức ăn thừa ở kẽ răng, hạn chế hình thành mảng bám.
Mẹo dân gian chữa hôi miệng
Trong dân gian lưu truyền nhiều mẹo giúp giảm hôi miệng nhanh chóng mà an toàn, lành tính. Người bệnh có thể áp dụng một số cách dân gian dưới đây:
- Gừng: Gừng có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm. Người bệnh dùng gừng tươi để hãm trà uống, hoặc ngậm 1 lát gừng tươi trong miệng sẽ thấy hơi thở giảm được mùi hôi.
- Đinh hương: Trong đinh hương có tinh dầu thơm mang lại công dụng khử mùi, kháng viêm. Bạn nhai trực tiếp 1-2 nụ đinh hương mỗi ngày để cải thiện chứng viêm họng gây hôi miệng.
- Trà bạc hà: trong lá bạc hà có hoạt chất menthol làm the mát, giảm đau, kháng khuẩn và khử mùi. Bạc dùng lá bạc hà tươi để hãm trà, uống 2 lần trong ngày hoặc nhai lá bạc hà trực tiếp để chữa hôi miệng
XEM THÊM:
Những lưu ý trong điều trị viêm họng gây hôi miệng
Bên cạnh những biện pháp chữa hôi miệng tại chỗ được đề cập trên, việc điều trị dứt điểm viêm họng cũng giúp tình trạng hôi miệng được đẩy lùi hoàn toàn. Dưới đây là những lưu ý cho người bệnh viêm họng:
- Người bệnh cần sớm có biện pháp điều trị viêm họng hợp lý. Phát hiện sớm và chữa bệnh đúng cách giúp ngăn chặn hiện tượng hôi miệng, đồng thời tăng hiệu quả điều trị.
- Bệnh nhân cần chú ý giữ ấm cho cơ thể, cổ họng và ngực, đặc biệt khi thời tiết giao mùa, chuyển lạnh…
- Bạn không nên uống nước đá, ăn đồ lạnh nhiều làm tăng nguy cơ viêm họng và khiến bệnh nặng hơn.
- Người bệnh nên nghỉ ngơi điều độ, hạn chế căng thẳng và tích cực tập thể thao nhẹ nhàng để tăng cường sức đề kháng
- Vệ sinh môi trường sống, tránh tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm là cách phòng và hỗ trợ chữa bệnh
Viêm họng gây hôi miệng không phải là vấn đề nghiêm trọng nếu bạn hiểu rõ và có cách chăm sóc phù hợp. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã có cho mình những kiến thức cần thiết để cải thiện tình trạng hôi miệng do viêm họng.
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!