Hen phế quản và viêm phế quản có gì khác nhau, điều trị như thế nào?
Viêm phế quản và hen phế quản là hai bệnh lý dễ bị nhầm lẫn với nhau. Cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa hen phế quản và viêm phế quản trong bài viết dưới đây để phòng và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Dấu hiệu nhận biết hen phế quản và viêm phế quản
Hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn và viêm phế quản đều là các bệnh gây viêm ống phế quản. Khi này đường dẫn khí bị co thắt và phù nề gây hiện tượng tức ngực khó thở, thở khò khè.
Tuy vậy, đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, cần phân biệt rõ để điều trị hiệu quả hơn. Đặc điểm chung của triệu chứng hen phế quản và viêm phế quản là:
- Người bệnh thở phát ra tiếng khò khè
- Thở khó, thở dốc
- Ho
- Đau, tức ngực…
Khác với hen suyễn, người bệnh viêm phế quản khi ho thường có kèm đờm vàng hoặc xanh lá. Bên cạnh đó viêm phế quản cấp tính còn có triệu chứng sốt nhẹ, ớn lạnh, cơ thể mệt mỏi. Triệu chứng thường kéo dài vài ngày rồi tự khỏi. Một vài trường hợp bệnh chuyển sang mãn tính, triệu chứng kéo dài dai dẳng hơn.
Bệnh hen suyễn có đặc điểm tái phát nhiều lần. Các triệu chứng bệnh thường bùng phát khi người bệnh tập thể dụng quá sức, vận động mạnh hoặc tiếp xúc các tác nhân gây dị ứng.
Nguyên nhân viêm phế quản và hen phế quản
Nguyên nhân của bệnh viêm phế quản là do vi khuẩn, virus xâm nhập gây nhiễm trùng đường hô hấp. Ngoài ra, những tác nhân khiến bệnh bùng phát gồm có:
- Người hút thuốc lá hoặc thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc
- Môi trường sống của người bệnh bị ô nhiễm, người bệnh thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại
- Những đối tượng có cơ địa nhạy cảm, hệ miễn dịch suy giảm,…
Khác với viêm phế quản, nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh hen suyễn là do cơ địa hoặc di truyền. Tỷ lệ trẻ bị hen suyễn lên đến 50% nếu có bố hoặc mẹ bị bệnh. Con số này lên đến 70% nếu cả bố và mẹ đều bị hen suyễn. Bên cạnh đó, bệnh dễ bùng phát do một số nguyên nhân như:
- Trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến mắc hen suyễn và kéo dài đến khi lớn
- Người bệnh có tiền sử bị dị ứng hay các bệnh viêm da dị ứng…
- Người thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm
- Người hút thuốc hoặc phải tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc thường xuyên
Hen phế quản và bệnh viêm phế quản có nguy hiểm không?
Bệnh hen phế quản nếu không kiểm soát được cơn hen, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Người bệnh có thể phải đối mặt với các nguy cơ biến chứng phải kể đến như:
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Là biến chứng của hen phế quản mãn tính. Khi này các triệu chứng khó thở, sốt, triệu chứng ho đờm sẽ nghiêm trọng hơn nhiều lần.
- Lồng ngực biến dạng: Bệnh lý này thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Tình trạng biến dạng lồng ngực kéo dài cho đến khi trưởng thành, cơ thể phát triển toàn diện.
- Tràn khí màng phổi: Tràn khí màng phổi 2 bên ở người bị hen phế quản có thể dẫn đến đột tử.
- Suy hô hấp: Biến chứng này cũng tăng nguy cơ tử vong rất nguy hiểm cho người bệnh.
Ở bệnh viêm phế quản, đối tượng dễ bị bệnh thường là trẻ nhỏ. Nếu không sớm có biện pháp chữa trị, bệnh có thể đe dọa đến sức khỏe, sự phát triển của các bé. Các biến chứng có thể xuất hiện do viêm phế quản gồm:
- Biến chứng viêm phổi kéo theo tràn dịch màng phổi
- Áp xe phổi gây khó thở nặng, huyết áp bất thường, dẫn theo các bệnh lý tim mạch khác
- Hiện tượng COPD khiến cổ họng bị tắc nghẽn do đờm, dẫn đến khó thở.
Cả hen phế quản và viêm phế quản đều có thể chuyển sang dạng mãn tính, kéo dài dai dẳng và khó điều trị nếu người bệnh chủ quan. Người bệnh nên sớm đi khám để được bác sĩ chẩn đoán cũng như chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.
XEM THÊM:
Các cách chẩn đoán hen phế quản và viêm phế quản
Nếu người bệnh thấy các triệu chứng ho, khó thở, thở khò khè kéo dài hơn 2 tuần, cần đến bác sĩ để kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh. Bệnh được dựa trên triệu chứng và tiền sử dị ứng, hen suyễn của từng người bệnh. Một số trường hợp cần làm thêm xét nghiệm để đưa ra kết quả chính xác.
- Đo phế dung: Thiết bị đo phế dung cho thấy các hoạt động của phổi và tìm ra vấn đề sức khỏe
- X-quang ngực: Phương pháp chụp X-quang giúp phát hiện các biểu hiện bất thường trong phổi.
- Xét nghiệm đờm: Đờm được lấy ra và đem kiểm tra để xác định loại virus, vi khuẩn gây bệnh.
- Xét nghiệm phế quản: Thực hiện với trường hợp người bệnh bị nghi ngờ mắc hen phế quản.
Cách chữa bệnh hiệu quả
Dựa trên nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh mỗi người mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Đối với viêm phế quản cấp tính, bệnh sẽ tự khỏi khi được chăm sóc đúng cách. Khi các triệu chứng kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc, phổ biến nhất là kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Bệnh hen phế quản và viêm phế quản mạn tính thường có cách điều trị tương đối giống nhau. Bác sĩ thường chỉ định các biện pháp giúp người bệnh dễ thở hơn, loại bỏ dịch nhầy trong đường thở. Những loại thuốc chữa hai dạng bệnh bệnh này thường có:
- Thuốc giãn phế quản có tác dụng giãn các cơ quanh hệ hô hấp, nhằm hỗ trợ cho người bệnh dễ thở hơn. Thuốc còn giúp điều tiết lượng dịch nhầy tiết ra, tránh bít tắc đường thở. Thuốc thường dùng dạng hít như Xopenex, ProAir, Ventolin HFA…
- Thuốc Steroid được kê nhằm giảm sưng mũi gồm các loại như Budesonide, Mometasone…
- Nếu người bệnh mắc viêm phế quản do vi khuẩn hoặc nấm, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho, tiêu đờm…
- Người bệnh hen suyễn không kiểm soát tốt các cơn hen, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc dự phòng chủ yếu là kháng viêm dạng hít.
Việc điều trị hen phế quản hay viêm phế quản đều cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc bừa bãi nhằm tránh nguy cơ gặp các tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu trong quá trình điều trị, cơ thể người bệnh có phản ứng bất thường với thuốc, cần ngưng sử dụng và đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.
Những điều người bệnh cần lưu ý
Áp dụng những biện pháp sau giúp bạn ngăn chặn cũng như cải thiện bệnh hen phế quản và viêm phế quản hiệu quả hơn:
- Bạn nên tránh xa khói thuốc lá nếu không muốn bệnh nặng hơn.
- Bạn cần hạn chế tiếp xúc với người đang mắc các bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp cũng như đến những nơi có dịch bệnh nhằm tránh lây nhiễm
- Người bệnh cần hạn chế tiếp xúc với các tác nhân ô nhiễm như khói bụi, lông động vật, phấn hoa…
- Trẻ nhỏ cần được tiêm vacxin phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp.
- Chế độ ăn uống cần được bổ sung đầy đủ các dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch
- Bạn nên uống nhiều nước, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, nước ngọt có gas
- Khi lên cơn hen, người bệnh nên ngồi thẳng lưng, hít thở sâu
- Thường xuyên vệ sinh răng miệng, cổ họng bằng cách súc miệng nước muối và đánh răng
- Người bệnh cần giữ tinh thần thoải mái, tránh tình trạng căng thẳng kéo dài hay làm việc quá sức
- Việc tập luyện và vận động nhẹ nhàng mỗi ngày cũng hỗ trợ tăng cường thể trạng, chống lại các tác nhân gây bệnh
Trên đây là những thông tin về hen phế quản và viêm phế quản. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc đã phân biệt được các bệnh lý này cũng như có được cho mình cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả.
THÔNG TIN HỮU ÍCH:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!