Cảnh báo gia tăng bệnh tay chân miệng ở trẻ em trong mùa hè
Tay chân miệng là bệnh phổ biến và dễ lây lan ở trẻ em. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm, cao nhất vào mùa hè. Tính từ đầu năm đến nay, số ca mắc tay chân miệng ở trẻ cao gấp 4 – 6 lần so với thời điểm đầu dịch năm ngoái, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng cao trở thành dịch lớn. Bệnh đặc trưng với các tổn thương dạng hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, khoang miệng, mông, đầu gối kèm theo sốt nhẹ 37.5 – 38 độ C.
Một trẻ có thể mắc tay chân miệng 2, 3 thậm chí 4 lần hoặc nhiều hơn do tiếp xúc với nhiều chủng virus tay chân miệng khác nhau. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ bị tay chân miệng có thể gặp phải nhiều biến chứng thần kinh, hô hấp, tim mạch nghiêm trọng, xuất hiện ở giai đoạn sớm, khoảng 2 – 5 ngày của bệnh. Những biến chứng nguy hiểm hơn như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim có thể dẫn tới tử vong nếu cha mẹ không xử trí kịp thời.
Tay chân miệng là bệnh khởi phát quanh năm thường gia tăng mạnh vào mùa hè. Theo thống kê giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 18.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong ở Kiên Giang (2), An Giang (1) và Long An (1). So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc tăng cao 4 – 5 lần, gia tăng chủ yếu tại khu vực miền Nam, đặc biệt ở một số tỉnh như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp và An Giang.
Tại bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh số ca bệnh nhi đến điều trị tay chân miệng đang gia tăng lên từng ngày và xuất hiện một số trường hợp trẻ gặp các biến chứng về thần kinh, hô hấp. Một số trường hợp trẻ có diễn tiến bệnh rất nhanh dù ban đầu chỉ xuất hiện những nốt hồng ban nhỏ.
Bệnh viện Nhi Trung Ương và bệnh viện Nhi Đà Nẵng mặc dù chưa ghi nhận ca biến chứng nặng nhưng số lượng trẻ mắc tay chân miệng có sự gia tăng đột biến so với cùng thời điểm năm 2020.
Theo các chuyên gia Nhi khoa, bệnh tay chân miệng dễ dàng lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc, giọt bắn và lây trực tiếp từ người sang người. Điều kiện khí hậu, môi trường tập trung nhiều người, thói quen vệ sinh không sạch sẽ là yếu tố làm lây lan bệnh. Do vậy để phòng ngừa tay chân miệng ở trẻ, cha mẹ cần chú ý:
- Giữ khoảng cách, không để trẻ tiếp xúc với trường hợp mắc hoặc nghi ngờ mắc tay chân miệng
- Cha mẹ và trẻ nhỏ cần rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm, sau khi đi vệ sinh và sau khi thay tã cho trẻ.
- Thực hiện tốt thói quen ăn uống lành mạnh: ăn chín uống sôi, vật dụng ăn uống cần được vệ sinh sạch sẽ, ngâm tráng nước sôi trước khi sử dụng, sử dụng nguồn nước sạch; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, ngậm tay, mút tay, ngậm đồ chơi; không để trẻ sử dụng chung vật dụng cá nhân, vật dụng ăn uống, đồ chơi khi chưa được khử trùng.
- Vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa và khu vực vui chơi, sinh hoạt của trẻ thường xuyên
- Vệ sinh, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, vật dụng học tập, sàn nhàn, tay nắm cửa, vịn cầu thang… bằng xà phòng hoặc dung dịch tẩy rửa.
- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ quan y tế gần nhất.
Hiện chưa cho vắc xin đặc hiệu phòng ngừa chân tay miệng ở trẻ. Trước tình hình dịch tay chân miệng ở trẻ ngày càng gia tăng và nghiêm trọng, cha mẹ cần thực hiện các hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, xây dựng chế độ ăn uống, vui chơi cho trẻ hợp lý để tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!