Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng thuốc YHCT trong phòng và hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS – CoV – 2
Theo công văn 1306/BYT-YDCT của Bộ y tế về chủ trương “Tăng cường phòng, chống bệnh dịch COVID-19 bằng thuốc và các phương pháp YHCT”, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đưa ra hướng dẫn điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng phương pháp YHCT.
Nguyên nhân gây bệnh theo YHCT
Theo đó, bệnh được YHCT xếp vào phạm vi “Ôn dịch” của Học thuyết “Ôn bệnh học” và có tên “Cảm mạo ôn bệnh”. Bệnh Ngoại cảm ôn bệnh là tên gọi chung của những bệnh ngoại cảm với những đặc điểm: Khởi phát với phát sốt, bệnh cảnh thiên về nhiệt, diễn biến theo quy luật, bệnh thường cấp tính, diễn tiến nhanh, bệnh cảnh thường nặng. Bệnh thường lây nhiễm nhanh và khi phát bệnh thành dịch thì được gọi là “Ôn dịch”.
Nguyên nhân gây bệnh do mùa đông cảm nhiễm phong hàn chưa đủ sức gây bệnh thành phục tà (đông vu thương hàn xuân tất bệnh ôn) khi đến mùa xuân gặp các yếu tố thuận lợi phát thành dịch lệ. Tà khí theo đường phế vệ hoặc vào miệng, hầu họng vào phế. Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm, … mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng.
Phương pháp điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS – CoV – 2 bằng YHCT
Tùy tình trạng bệnh lý và diễn biến bệnh theo y học cổ truyền chia thành 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn bệnh y học cổ truyền có pháp điều trị khác nhau:
Giai đoạn khởi phát
Đây là bệnh ở thời kỳ đầu phong hàn xâm phạm vào bì mao và phế vệ. Triệu chứng: phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, khát không nhiều, ho ít đàm, hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác. Cần điều trị bằng phép sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái, có thể sử dụng bài thuốc Ngân kiều tán:
Thành phần: Liên kiều, Cát cánh, Đạm trúc diệp, Kinh giới tuệ, Đạm đậu xị, Ngưu bàng tử, Kim ngân hoa, Kim ngân hoa, Bạc hà, Cam thảo, Gia Xuyên tâm liên, Thanh cao hoa vàng.
Cách dùng: thuốc thang sắc, 1 thang chia đều 3 phần, uống sau khi ăn.
Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn này bệnh có thể biểu hiện bệnh ở khí phận hay dinh phận. Nhiệt tà nhập vào những vị trí khác nhau nên xuất hiện các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Triệu chứng thường gặp sốt, phiền khát, phiền táo, bất an, ho đờm đặc vàng, khó khạc. Khí suyễn, có thể ho ra máu, tiểu đỏ, lưỡi đỏ, rêu vàng khô hoặc nhớt, mạch hoạt sác. Cần dùng phép tuyên phế, thanh nhiệt, định suyễn, có thể dùng bài Ma hạnh thạch cam thang:
Thành phần: Ma hoàng, Cam thảo, Hạnh nhân, Sinh Thạch cao. Có thể thay Ma hoàng bằng Tỳ bà diệp, Cát cánh, có thể gia thêm Xuyên tâm liên.
Cách dùng: Thuốc thang sắc, Thạch cao đập vụn, gói trong miếng vải gạc cho vào nồi sắc, đun sôi 30 phút, cho các vị còn lại vào sắc tiếp 45 phút. Sắc uống ngày 1 đến 2 thang, uống thuốc lúc ấm chia đều 3 lần trước ăn.
Giai đoạn hồi phục
Sau giai đoạn toàn phát có thể có biểu hiện các triệu chứng khác nhau và có pháp điều trị khác nhau.
- Trường hợp người bệnh có biểu hiện của Khí âm lưỡng hư:
Triệu chứng thường gặp là khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, miệng khô khát, bồn chồn, ra mồ hôi, ho khan có ít đờm, lưỡi khô ít tân dịch, mạch tế hoặc vô lực,… Sử dụng phép Bổ khí dưỡng phế với bài Thập toàn đại bổ.
- Trường hợp biểu hiện các triệu chứng của phế tỳ khí hư:
Triệu chứng thường gặp là khí đoản, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn, bụng đầy, đại tiện vô lực, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt bệu, rêu trắng dơ. Dùng phép Kiện tỳ ích khí, áp dụng bài Bảo nguyên thang.
- Trường hợp bệnh lâu có âm hư kèm tâm quý, huyết áp thấp
Trường hợp bệnh lâu khiến cơ thể suy nhược dùng bài Lục vị địa hoàng hoàn hợp Sinh mạch ẩm giúp Tư âm phế thận, ích khí liễm hãn.
Giai đoạn tái nhiễm
Điều trị như nhiễm bệnh, tùy tình trạng bệnh lý của người bệnh theo y học cổ truyền mà người thầy thuốc có pháp điều trị, thuốc cổ truyền và phương pháp điều trị cho phù hợp.
Phòng ngừa bệnh, nâng cao sức khỏe hệ hô hấp
Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, cách tốt nhất là thực hiện các biện pháp nâng cao hệ hô hấp, sức đề kháng toàn diện:
Xông phòng
- Cách 1: Đun sôi một hoặc trộn các thảo dược tươi chứa tinh dầu như Sả chanh, Bạc hà, Quế, Mùi, Bưởi, Tràm gió, Màng tang, Long não, Kinh giới, Tía tô,…để xông phòng. Thực hiện 2 lần/ngày vào sáng và chiều.
- Cách 2: Sử dụng các thảo dược đã được tinh chế thành tinh dầu Sả chanh, Bạc hà, Hương nhu, Bưởi, Tràm, Quế, Long não hòa với ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng hoặc xịt vào chỗ cần sát khuẩn, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 – 3 lần.
Lưu ý: Không xông có tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu. Chỉ sử dụng các loại tinh dầu tinh chế được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
Vệ sinh cá nhân
- Sử dụng dung dịch tỏi 10% nhỏ mũi sát khuẩn khoảng 3-5 lần/ngày.
- Súc họng bằng nước muối sinh lý NaCl 2 đến 4 lần/ngày.
- Có thể xông mũi, xông mặt bằng tinh dầu
Dùng trà thảo dược
Dùng các loại trà thảo dược giúp nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng như Trà lá Diếp cá, Kinh giới, Trà xanh, Bạc hà, Quế chi,…
Bài thuốc tăng cường hệ miễn dịch
Để nâng cao hệ hô hấp, bạn đọc có thể tham khảo một số bài thuốc uống như:
Ngọc bình phong tán giúp ích khí cố biểu
Thành phần bao gồm Sinh Hoàng kỳ, Bạch truật, Phòng phong sắc 1 thang chia đều 3 phần dùng hết trong ngày.
Thanh hầu bổ phế thang
Thanh hầu bổ phế thang là bài thuốc được hoàn thiện qua công trình nghiên cứu 100 phương thuốc cổ do đội ngũ chuyên gia Bệnh viện Tai Mũi Họng Quân dân 102 thực hiện. Thành phần của bài thuốc gồm đến 32 vị nam dược chuyên trị các bệnh lý viêm đường hô hấp. Đồng thời, các thảo dược cũng có công dụng vô cùng phong phú giúp cải thiện sức khỏe toàn diện, nâng cao hệ hô hấp và tăng cường hệ miễn dịch.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về phương pháp phòng chống và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS – CoV – 2 bằng YHCT. Để chiến thắng đại dịch, mỗi người dân hãy chủ động trong công tác nâng cao sức khỏe và thực hiện thật tốt chỉ thị 5K của chính phủ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!