Những điều quan trọng cần biết về tiêm Vaccine Covid-19 chống viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 

5/5 - (1 bình chọn)

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus  SARS-CoV-2 ngày càng trở nên căng thẳng khi số bệnh nhân nhiễm virus tăng lên với tốc độ chóng mặt. Hiện nay, thế giới vẫn chưa có loại thuốc điều trị bệnh hoàn toàn và Vaccine Covid-19 là “vũ khí” duy nhất có khả năng phòng tránh bệnh. Do đó, những vấn đề xoay quanh vắc xin Covid-19 đang trở thành mối quan tâm của hàng triệu người.

Vaccine Covid-19 là gì? Công dụng của vắc xin

Vaccine Covid-19 là loại vắc xin có khả năng ngăn ngừa và phòng chống viêm virus SARS-CoV-2. Dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bùng phát mạnh mẽ vào những tháng cuối của năm 2019 gây ra vô vàn thiệt hại về mạng người và nền kinh tế. Đến tháng 11/2020, vắc xin Covid-19 đã được phát minh thành công và bắt đầu được ứng dụng rộng rãi.

Để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của Vaccine Covid-19, trước hết chúng ta cần hiểu rõ về cơ chế chống lại bệnh tật của cơ thể. Khi virus xâm nhập vào cơ thể và phát triển, hệ thống miễn dịch sẽ tự động sản xuất các kháng thể để chống lại “kẻ xâm lược”. Các loại tế bào tham gia vào quá trình chống tác nhân gây bệnh bao gồm:

Hệ thống miễn dịch sẽ tự động sản xuất các kháng thể để chống lại “kẻ xâm lược”
Hệ thống miễn dịch sẽ tự động sản xuất các kháng thể để chống lại “kẻ xâm lược”
  • Đại thực bào: các tế bào máu trắng hấp thụ và tiêu diệt các mầm bệnh hoặc các tế bào đã chết/sắp chết. Các đại thực bào để lại một phần của mầm bệnh được gọi là “kháng nguyên”. Cơ thể xác định các kháng nguyên này gây nguy hiểm và sản sinh ra các kháng thể tấn công chúng.
  • Tế bào lympho B: các tế bào bạch huyết tạo các kháng thể tấn công các mảnh virus mà đại thực bào để lại.
  • Tế bào lympho T: các loại tế bào bạch huyết có vai trò tấn công các tế bào trong cơ thể đã bị nhiễm bệnh.

Cơ chế sinh miễn dịch của Vaccine Covid-19 gồm có:

  • Miễn dịch thụ động: Huyết thanh của bệnh nhân đã phục hồi sau khi nhiễm bệnh chứa lượng lớn kháng thể miễn dịch và từ Globulin siêu miễn dịch – chẳng hạn như globulin miễn dịch với cytomegalovirus (CMVIG) được thu thập từ nhiều người hiến khác nhau hoặc với kháng thể trung hòa đơn dòng.
  • Miễn dịch chủ động: Các loại vắc xin đang được nghiên cứu với nhiều cơ chế khác nhau nhưng nhìn chung đều phát triển theo hướng là tạo ra kháng thể chống lại virus. Đồng thời, chúng cũng phải có khả năng tạo ra tế bào lympho T và lympho B ghi nhớ để chiến đấu với virus và chống lại virus nếu chúng xuất hiện về sau.

Có bao nhiêu loại Vaccine Covid-19? Loại nào hiệu quả nhất?

Trên thế giới, có đến hàng trăm loại vắc xin chống virus Corona đang được nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Mặc dù các loại vắc xin được sản xuất với công nghệ khác nhau nhìn chung chúng đi theo 1 trong 3 cơ chế:

Cơ chế sản xuất vắc xin
Cơ chế sản xuất vắc xin

Vắc xin sử dụng axit nucleic của virus (Vắc xin mRNA)

Vaccine đưa phân tử RNA được tổng hợp vào tế bào của cơ thể. Khi đã vào trong tế bào, mRNA tổng hợp của vaccine hoạt động như một mRNA tự nhiên, khởi động tổng hợp protein mới (bình thường protein này do virus tổng hợp). Đến lượt protein mới này kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể (adaptive immune response) chống lại protein của virus. Như vậy cơ thể được nhận vaccine, vừa tạo kháng nguyên (protein của virus), vừa tạo đáp ứng miễn dịch chống lại protein này (kháng thể + đáp ứng tế bào).

Vắc xin sử dụng một phần của virus (Vắc xin protein)

Vắc xin này bao gồm các mảnh protein tinh khiết của virus Sars-Cov-2. Sau khi tiêm vắc xin vào cơ thể, hệ miễn dịch ghi nhận rằng protein này là “kẻ xâm nhập” và phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể. Đồng thời, vắc xin giúp tế bào ghi nhớ nhận diện tác nhân gây bệnh, tiến hành tiêu diệt chúng nếu bị tấn công trong tương lai.

Vắc xin sử dụng toàn bộ virus hay vi khuẩn (Vắc xin vector)

Các loại vắc xin dựa trên virus vector khác với hầu hết các loại vắc xin thông thường ở chỗ chúng không thực sự chứa kháng nguyên, mà sử dụng chính tế bào của cơ thể để sản xuất chúng. Vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng một loại virus đã được biến đổi (vector) để vận chuyển mã di truyền cho kháng nguyên.

Đối với vắc xin phòng virus Sars-Cov-2, mã di truyền là các protein gai trên bề mặt của virus. Khi vắc xin tiêm vào trong cơ thể, nó sẽ kích thích cơ thể tạo ra một lượng lớn kháng nguyên. Những kháng nguyên này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Vắc-xin bắt chước những gì xảy ra trong quá trình lây nhiễm tự nhiên với một số mầm bệnh – đặc biệt là virus. Điều này có lợi thế là kích hoạt phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ của tế bào T cũng như sản xuất kháng thể của tế bào B.

Các loại vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam

Có một số loại vắc xin đã được cấp quyền phân phối rộng rãi, bao gồm: vắc-xin Pfizer, vắcxin Moderna, vắc xin Johnson & Johnson, Vắc xin AstraZeneca, vắc xin Sputnik V, vắc xin COVAX Facility, vắc xin Moderna.

Tại Việt Nam, Bộ y tế Việt Nam chính thức cấp phép nhập Vắc xin AstraZeneca để tiêm phòng dịch bệnh Covid-19 theo Quyết định số 983/QĐ-BYT ban hành ngày 01/02/2021. Đây là loại vắc xin do Đại học Oxford và Tập đoàn dược phẩm hàng đầu Thế giới (Vương quốc Anh) sản xuất.

Chúng được sản xuất theo theo cơ chế vector. Nếu các tế bào miễn dịch đi qua virus SARS-CoV-2 trong cơ thể, chúng sẽ sản xuất ra nhiều kháng thể và tế bào T rất nhanh, điều này ngăn chặn virus lây lan và làm giảm biến chứng, nguy hiểm do bệnh Covid-19 gây ra.

Bộ y tế Việt Nam chính thức cấp phép nhập Vắc xin AstraZeneca
Bộ y tế Việt Nam chính thức cấp phép nhập Vắc xin AstraZeneca

Ngoài ra, trong năm 2021 Bộ Y tế đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều Vaccine Covid-19 để phòng chống dịch. Trong đó, Vắc xin AstraZeneca dự kiến có khoảng 30 triệu liều. Nguồn còn lại là vắc xin của COVAX Facility và vắc xin của Pfizer, mỗi loại dự kiến khoảng 30 triệu liều. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang tích cực đàm phán để có thêm nguồn vắc xin Sputnik V của Nga.

Về lộ trình cung cứng vắc xin: Quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3; Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý 3 có 25,9 triệu liều; Quý 4 có 51,1 triệu liều.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có 4 loại vắc xin đang được nghiên cứu và thử nghiệm: Vắc xin Nanocovax (Nanogen), Vắc xin Covivax (IVAC), Vắc xin Vabiotech và Vắc xin PoLyvac.

Trong đó, Vắc xin Nanocovax là loại vắc xin protein tái tổ hợp được sản xuất bởi công ty Nanogen. Vắc xin đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Đây cũng chính là loại vắc xin Covid-19 do chính Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam tiêm thử nghiệm vào ngày 26/03/2021 tại Học viện Quân y. Vắc xin có hiệu quả tốt với virus biến chủng Anh (B117).

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm phòng vắc xin Nanocovax của Việt Nam
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm phòng vắc xin Nanocovax của Việt Nam

Vắc xin Covivax, Vabiotech và PoLyvac đều là vắc xin vector. Trong đó, Vắc xin Covivax dù mới thử nghiệm giai đoạn 1 nhưng qua các nghiên cứu tiền lâm sàng được đánh giá có chất lượng rất tốt, giá thành dự kiến rất rẻ (sơ bộ đánh giá bằng 1/2 giá vắc xin hiện có trên thị trường). Vắc xin Vabiotech hiện đang tiếp tục được nghiên cứu và kết quả trong phòng thí nghiệm rất lạc quan. Ưu điểm của vắc xin này là khi phát triển thành công thì có thể điều chỉnh rất nhanh khi có biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Các câu hỏi thường gặp khi tiêm Vaccine Covid-19

Giải đáp các thông tin xoay quanh vấn đề tiêm Vaccine Covid-19:

Cần tiêm bao nhiêu liều vắc xin? Vắc xin có hiệu lực trong bao lâu?

Hiện tại có hai loại vắc xin đang được tiến hành tiêm tại Việt Nam là:

  • Vắc xin AstraZenecal (chính thức): Gồm 2 mũi cơ bản, mỗi mũi cách nhau 4 đến 12 tuần.
  • Vắc xin Nanocovax (thử nghiệm GĐ2): Gồm 2 mũi cơ bản, mỗi mũi cách nhau 28 ngày, và tiêm nhắc sau 1 năm.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn đang nỗ lực cải thiện hiệu lực của vắc xin. Chưa thể biết chính xác vắc xin có hiệu lực kéo dài trong bao lâu. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin là rất cần thiết để bảo vệ bạn và gia đình khỏi nguy cơ lây nhiễm cao. Sau khi tiêm vắc xin, bạn vẫn phải chủ động phòng tránh dịch theo khẩu hiệu 5K để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm bệnh.

Quy trình tiêm vắc xin chống Covid-19

Quy trình tiêm chủng vacxin Covid-19 tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn mức cao nhất, tiến bộ và khắt khe hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước phát triển. Cụ thể như sau:

  • Khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế
  • Sau khi tiêm xong vắc xin cần ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm, được hướng dẫn theo dõi các phản ứng tại nhà từ 24-48 giờ.
Người tiêm phòng cần được theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm
Người tiêm phòng cần được theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm

Vắc xin Covid-19 có tác dụng phụ không?

Giống như bất kỳ loại vắc xin khác, nguy cơ gặp tác dụng phụ là không thể tránh khỏi. Một người sau khi tiêm vắc xin sẽ thường bị một số tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình.

Điều này là do hệ thống miễn dịch đang hướng dẫn cơ thể phản ứng lại theo những cách nhất định: làm tăng lưu lượng máu để các tế bào miễn dịch có thể lưu thông nhiều hơn và làm tăng nhiệt độ cơ thể để tiêu diệt virus. Tác dụng phụ thường biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày.

Tuy nhiên, không gặp tác dụng phụ thì không có nghĩa là vắc xin không hiệu quả. Nói cách khác, mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau sau khi tiêm vắc xin.

Vắc xin AstraZenecal đang được tiến hành tiêm tại Việt Nam cũng gây ra những phản ứng phụ và hầu hết đều ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.

  • Tác dụng phụ tại vị trí tiêm: đau, nóng, đỏ, ngứa, sưng. Các phản ứng này thường kéo dài nhiều nhất là 1 tuần.
  • Tác dụng phụ trên toàn thân: cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn, đau khớp hoặc đau cơ. Trong đó sốt có thể kéo dài trong khoảng 1-2 ngày, trường hợp sốt cao trên 38 độ cần theo dõi sát sao. Nếu sốt không giảm phải đến ngay cơ sở y tế.
  • Tác dụng phụ sốc phản vệ (ít gặp): khó thở, nổi mề đay, sưng tấy mặt và họng, chóng mặt, tim đập nhanh, ngất xỉu,… Hội chứng não, màng não cấp tính xuất hiện những cơn kịch phát, rối loạn ý thức kéo dài 1 đến nhiều ngày thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Những điều cần biết khi tiêm phòng vắc xin chống covid-19
Những điều cần biết khi tiêm phòng vắc xin chống covid-19

Vì vậy, sau khi tiêm vắc xin, bạn cần ở lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút để theo dõi phản ứng. Nếu bắt gặp các biến chứng nặng như phản ứng phản vệ thì cần được chăm sóc và điều trị tích cực ngay lập tức để tránh nguy cơ tử vong. 48 giờ sau khi tiêm chủng cũng là giai đoạn quan trọng để theo dõi, phát hiện các phản ứng đầu tiên của sốc phản vệ.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, vắc xin chống Covid-19 có xu hướng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn ở lần tiêm thứ 2 vì chúng tạo ra kháng thể bền vững hơn. Nhiều kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, người lớn tuổi có xu hướng ít gặp tác dụng phụ sau tiêm đáng lo ngại so với người trẻ. Điều này có thể gây ra do hệ thống miễn dịch của người lớn tuổi không có phản ứng mạnh, hoặc nhận thức về cơn đau của người lớn tuổi đã được nâng cao.

Tại Việt Nam, có 1 trường hợp tử vong do sốc phản vệ khi tiêm vắc xin vào ngày 0705/2021. Đó là nữ nhân viên y tế 35 tuổi đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu. Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế An Giang, nguyên nhân dẫn đến tử vong là sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid (NSAIDs). Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong thực tế tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Ai được tiêm vắc xin? Ai không được tiêm vắc xin?

Vaccine Covid-19 cần thiết cho tất cả mọi người trong công cuộc chống lại đại dịch viêm đường hô hấp cấp do SAR-nCOV-2. Hiện tại, vắc xin phù hợp để tiêm cho người có độ tuổi từ 16 tuổi (vắc-xin Pfizer) hoặc 18 tuổi (vắc xin Moderna, vắc xin Johnson & Johnson, vắc xin Astrazeneca, vắc xin Nanocovax) trở lên.

Các loại vắc xin được đưa vào ứng dụng rộng rãi tương thích với hầu hết mọi người đủ tuổi tiêm vắc xin, bao gồm cả phụ nữ có thai. Tuy nhiên, người có cơ địa dị ứng hoặc dị ứng với các thành phần của vắc xin thì không nên tiêm. Người đang bị nhiễm Covid cũng không được tiêm.

Tiêm vacxin xong có bị nhiễm Covid không?

Vắc xin có tác dụng phòng ngừa virus nhưng nó không hoàn hảo, đặc biệt là trong bối cảnh virus không ngừng biến thể. Sau khi tiêm vắc xin, thường mất vài tuần để cơ thể xây dựng khả năng miễn dịch chống lại virus. Vì vậy, một người có thể bị nhiễm Covid ngay trước hoặc sau khi tiêm vắc xin do vắc-xin vẫn chưa có đủ thời gian để bảo vệ cơ thể.

Ngoài tiêm vắc xin, bạn cần phải chủ động thực hiện chủ trương 5K phòng chống dịch
Ngoài tiêm vắc xin, bạn cần phải chủ động thực hiện chủ trương 5K phòng chống dịch

Ngoài ra, vắc xin có thể cho hiệu quả kém nếu:

  • Tiêm vắc xin không đúng lịch, tiêm không đủ mũi
  • Hệ thống miễn dịch không đáp ứng tốt trong việc tạo kháng thể
  • Người bệnh đã phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh khi vừa mới tiêm vắc xin, hệ miễn dịch chưa kịp tạo ra kháng thể

Vì vậy, vắc xin chỉ có tác dụng bảo vệ bạn tốt hơn và bạn vẫn cần thực hiện biện pháp 5K phòng chống dịch tích cực.

Đã bị nhiễm Covid có tiêm vắc xin không?

Hiện tại, vắc xin chỉ có tác dụng với trường hợp người bệnh chưa từng bị nhiễm Covid-19. Tại Việt Nam, vắc xin AstraZeneca không được chỉ định tiêm cho người đã từng nhiễm virus SARS-COV-2. Còn ở Mỹ, người đã khôi phục sau nhiễm bệnh vẫn có thể tiêm vắc xin để giảm nguy cơ tái nhiễm. Tuy nhiên, người bệnh phải đáp ứng đủ tiêu chí ngừng cách ly và tiêu chuẩn tiêm vắc xin thông thường.

Tiêm vắc xin giá bao nhiêu? Ở đâu?

Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã có cuộc họp về tình hình, tiến độ nghiên cứu, phát triển các vắc xin trên thế giới và của Việt Nam vào ngày 23/03/2021. Tại đây, lãnh đạo Bộ y tế khẳng định không có chuyện các công ty riêng được nhập vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam để tiêm. Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Những vắc xin được Bộ Y tế cấp phép tại Việt Nam thì chỉ các doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu vắc xin mới được nhập khẩu. Trong đó Bộ y tế nhập vắc xin AstraZeneca qua Trung tâm tiêm chủng VNVC. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin hiện nay phải theo sự điều phối chung của Bộ Y tế, do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.

Tiêm vắc xin hiện do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.
Tiêm vắc xin hiện do các cơ sở y tế của ngành y tế thực hiện.

Ở thời điểm hiện tại (08/05/2021), UBND Thành phố Hà Nội đang có chủ trương miễn phí tiêm vắc xin phòng chống Covid-19 cho công dân từ 18-65 tuổi trong giai đoạn 2021 – 2022. Theo đó, đối tượng ưu tiên lần lượt như sau:

  • Đối tượng 1 là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gồm người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ phòng, chống COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên); lực lượng quân đội, công an. Tiếp đến là các nhân viên, cán bộ ngoại giao làm việc tại Việt Nam và của Việt Nam được cử đi nước ngoài; cán bộ hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh…
  • Đối tượng 2 là người dân từ 18 – 65 tuổi không thuộc nhóm đối tượng 1 nêu trên.

Kinh phí tiêm vắc xin được lấy từ nguồn: Trung ương (kinh phí do Bộ Y tế mua vaccine và phân bổ cho thành phố), nguồn ngân sách thành phố, nguồn tự nguyện chi trả của tổ chức, cá nhân và nguồn viện trợ, hỗ trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và nguồn vốn hợp pháp khác.

Hy vọng những chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Vaccine Covid-19. Trong công cuộc chống lại đại dịch toàn cầu, ý thức và sự chủ động trong công tác phòng chống dịch luôn là “vũ khí” tốt nhất. Vì vậy, hãy nghiêm túc thực hiện chủ trương 5K để chung tay dập tắt đại dịch, đồng thời bảo vệ bạn, gia đình và xã hội khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.

Tổng hợp thông tin từ: Bộ Y tế, Cổng Thông tin Chính phủ, Báo Sức khỏe đời sống, Trung tâm tiêm chủng VNVC, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC)

Cập nhật: 6:47 Chiều , 01/10/2021
Các biến thể Covid-19 là mối nguy khiến tình hình dịch bệnh chuyển biến xấu
Những điều cần biết về mức độ nguy hiểm của các biến thể virus SARS-CoV-2...
Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã phát hiện khoảng hơn 28 nghìn đột biến trên gen của...
Ứng dụng tây trong chẩn đoán bệnh viêm amidan tại bệnh viện Quân dân 102
Ứng dụng tiến bộ khoa học trong chuyên ngành tai mũi họng đem lại nhiều...
Hoà chung với xu thế phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong kỷ...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chia sẻ
Bỏ qua
Top