15 bệnh lý nền gây nguy hiểm khi nhiễm Covid-19
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Quốc gia đưa ra khuyến cáo về một số bệnh lý nền có thể gây triệu chứng nặng và làm tăng nguy cơ tử vong ở người nhiễm Covid -19.
1. Ung thư
Mắc ung thư có khả năng khiến các triệu chứng Covid -19 nghiêm trọng hơn. Việc điều trị nhiều loại ung thư có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể bị yếu đi.
2. Bệnh phổi
Những người mắc bệnh phổi mạn tính, bao gồm hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), xơ phổi được coi là có nguy cơ cao trở nặng nếu mắc Covid-19.
3. Bệnh thận mãn tính
Mắc bệnh thận mãn tính ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có khả năng làm tăng nguy cơ trở nặng và tử vong khi mắc thêm Covid-19.
4. Bệnh tim mạch
Hệ thống hô hấp và tim mạch vốn liên kết chặt chẽ với nhau. Những bệnh nhân Covid-19 có bất kỳ bệnh nền nào liên quan đến suy tim, tim mạch hoặc mạch máu não (chẳng hạn như huyết áp cao hay đột quỵ) sẽ làm tăng nguy cơ trở nặng khi nhiễm Covid-19.
5. Bệnh tiểu đường
Người bị bệnh tiểu đường thể 1, thể 2 hay tiểu đường thai kỳ nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều khả năng mắc Covid-19 và gặp phải tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
6. Hội chứng Down
Hội chứng Down đã được CDC bổ sung vào danh sách này trong lần cập nhật mới nhất hồi tháng 12.2020. Đây cũng là bệnh lý nền có khả năng làm tăng nguy cơ chuyển biến xấu cho bệnh nhân nếu nhiễm thêm Covid-19.
7. Thừa cân và béo phì
Thừa cân (được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI) > 25 kg/m2 nhưng < 30 kg/m2), béo phì (BMI ≥30 kg/m2 nhưng < 40 kg/m2) hoặc béo phì nghiêm trọng (BMI ≥40 kg/m2), có thể làm tăng nặng triệu chứng bệnh do COVID-19. Triệu chứng COVID-19 càng nghiêm trọng khi BMI tăng lên.
8. Bệnh hồng cầu hình liềm, Thalassemia
Người mắc bệnh rối loạn huyết sắc tố như hồng cầu hình liềm (SCD) và bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh) cũng có nguy cơ trở nặng khi mắc Covid-19.
9. Bệnh gan
Người mắc bệnh gan mạn tính, chẳng hạn như bệnh gan liên quan đến bia, rượu, gan nhiễm mỡ và đặc biệt là xơ gan, có thể làm phức tạp hơn tình trạng bệnh khi nhiễm Covid-19.
10. Hội chứng suy giảm hệ miễn dịch
Chứng suy giảm miễn dịch đặc trưng ở những người trải qua hóa trị, xạ trị ung thư, ghép tạng hay tủy sống, người nhiễm HIV, người sử dụng các loại thuốc làm suy giảm miễn dịch (chẳng hạn corticosteroid) trong thời gian dài… cũng làm tăng mức độ bệnh khi nhiễm SARS-CoV-2.
11. Rối loạn thần kinh
Các chứng rối loạn thần kinh như bệnh đa xơ cứng, Parkinson hoặc chứng mất trí nhớ thể Lewy (DLB)… có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của Covid-19, bởi chúng dễ làm rối loạn phản xạ nuốt, làm giảm phản xạ ho hoặc gây suy yếu cơ hô hấp.
12. Nhiễm HIV
Việc nhiễm HIV (Vi-rút Gây Suy Giảm Miễn Dịch ở Người) có thể làm tăng khả năng khiến bệnh Covid – 19 trở nặng.
13. Cấy ghép tạng hoặc tế bào máu gốc
Tiền sử cấy ghép tạng hoặc tế bào máu gốc, bao gồm cấy ghép tủy xương, có thể làm trầm trọng hơn tình trạng COVID-19.
14. Đột quỵ hay bệnh mạch máu não, có ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não
Tình trạng bệnh mạch máu não, chẳng hạn như đột quỵ, có thể khiến người bệnh COVID-19 gặp nhiều nguy cơ hơn.
15. Rối loạn sử dụng chất kích thích
Việc bị rối loạn sử dụng chất kích thích (như rối loạn sử dụng rượu bia, opioid hoặc cocaine) có thể làm tăng nguy cơ diễn tiến nặng COVID-19.
Bên cạnh những bệnh lý nền trên, các trường hợp thai kỳ, thừa cân, béo phì hoặc sử dụng thuốc lá… là yếu tố làm tăng nguy cơ và mức độ nghiêm trọng khi nhiễm Covid-19.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!